21 de junio de 2010

Paco Renteria: 'Nhạc của tôi là Freeplay phóng khoáng'

Paco Renteria: 'Nhạc của tôi là Freeplay phóng khoáng'
Nghệ sĩ đàn guitar xuất sắc Mexico, cũng là đại sứ âm nhạc Mexico trong năm 2010, gây ấn tượng cho khán giả bởi sự thân thiện, dễ gần. Anh có cuộc trò chuyện với VnExpress khi đến VN biểu diễn tại Hà Nội và Festival Huế.
Điều gì đã giúp anh đến với âm nhạc?
- Bố mẹ tôi đều làm nghệ thuật, mẹ tôi là họa sĩ, còn bố thì rất hay nghe nhạc cổ điển. Ở nhà tôi có cả phòng thu. Đó chính là những thuận lợi gián tiếp dẫn dắt tôi đến với âm nhạc.
Nghệ sĩ guitar Paco Renteria. Ảnh: Pham Mi Ly.
Nghệ sĩ guitar Paco Renteria. Ảnh: Pham Mi Ly.
Tại sao anh lựa chọn guitar?
- Khi lên 7 tuổi, sau khi xem một biểu biểu diễn guitar, tôi đã đòi bố mua cho một cây đàn. Ông bảo “OK” và mua ngay về một cây guitar rất nhỏ trên đó có in hình cờ Mexico. Khi nhìn thấy cây guitar đồ chơi đó, tôi không chịu và nói: “Không, con muốn cây guitar thật cơ”. Và như thế, tôi bắt đầu tập guitar. Mới đầu tôi tập chơi nhạc cổ điển, sau đó là nhạc Latin, nhạc Mexico - tất nhiên, rồi jazz, flamenco…
* Clip: Paco Renteria biểu diễn ở Nhà hát Lớn
Âm hưởng chung của album gần đây nhất của anh “Paco Renteria en Concierto”?
- Album đó thực chất đã ra mắt được gần một năm rồi, còn album mới nhất mà tôi đang tiến hành quảng bá là “Talisman”, sẽ phát hành vào tháng 7.
Hai album này có rất nhiều điểm tương đồng. Tôi hiểu và yêu rất nhiều thể loại âm nhạc từ nhạc Latin cho đến jazz hay nhạc phương Đông. Chơi guitar quan trọng là chơi nhiệt tình, đầy đam mê. Nhạc Latin, nhạc Mexico, nhạc Tây Ban Nha thì thúc giục lòng nhiệt huyết, nhạc phương Đông bí ẩn và thần thoại, còn nhạc jazz và blues thì có linh hồn.
Tôi tự tạo nên một dòng nhạc của riêng mình. Và thế là thính giả bắt đầu đặt tên cho âm nhạc của tôi, nhiều cái tên lạ lắm. Tuy nhiên cá nhân tôi chẳng thích bất kỳ cái tên hoa mỹ nào cả. Tôi chỉ gọi nó đơn giản là “freeplay”. Vì tôi yêu thích nhiều thể loại nhạc đến vậy, nên tôi lựa chọn ở mỗi loại một chút để tất cả được hoà quyện vào âm nhạc của mình. “Freeplay” là cái tên diễn tả sự tự do, phóng khoáng, thể hiện cách sống của tôi, tính cách của tôi.
Anh sắp ra mắt bộ sưu tập 5 đĩa đơn đánh dấu những bước phát triển của mình cùng 2 đĩa nhạc mới. Anh nghĩ mình đã đi đến đâu trong sự nghiệp âm nhạc?
Đến với Việt Nam, Paco biểu diễn tại Festival Huế trong ba đêm 9, 10, 12/6. Sau đó, anh trở lại Hà Nội ra mắt khán giả Nhà hát Lớn trong đêm 14/6.
Paco Renteria cũng từng giành được rất nhiều danh hiệu như “Nghệ sĩ đàn guitar tầm cỡ quốc tế người Mexico của nền nghệ thuật đương đại”, “Nhân vật tiêu biểu Mexico năm 2008”, hay giải thưởng “Đức Chúa bạc” đối với chuyển thể âm nhạc trong lĩnh vực điện ảnh.
- Nếu được đề cử Grammy hay những tấm bằng, những giải thưởng trên giấy thì cũng chỉ là cái vẻ bề ngoài mà thôi. Tôi chỉ mong muốn mình được công chúng yêu mến. Khi đến nghe hòa nhạc của tôi, họ bước đến chỗ tôi và nói: “Paco, tôi thích buổi diễn của anh. Âm nhạc của anh đã thay đổi cuộc đời tôi”. Đó là điều đẹp nhất đối với tôi. Khi chơi đàn, tôi cố gắng lĩnh hội phần hồn, phần cảm xúc của âm nhạc, đưa chúng đến đầu ngón tay và dây đàn rồi truyền lại tất cả điều kỳ diệu đó tới khán thính giả.
Cảm tưởng của anh khi là Đại sứ âm nhạc Mexico tại nước ngoài trong năm 2010?
- Tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì được công nhận. Thêm vào đó là trách nhiệm, trách nhiệm vinh danh nền âm nhạc Mexico. Phải nói rằng Mexico có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực âm nhạc hay thể thao. Tôi cũng chỉ như một hạt cát nhỏ mà thôi. Điều quan trọng là cần phải thể hiện cho mọi người biết về nền âm nhạc của Mexico.
* Clip: Paco Renteria và ban nhạc trình diễn bản Mariachi
Tại sao anh quyết định đến Việt Nam trong tour diễn thế giới của mình?
- Khi mọi người nói với tôi về ý tưởng đến Việt Nam, cảm giác đầu tiên của tôi là thú vị và có vẻ như siêu hiện thực. Thực chất trong việc này tôi có đồng minh, ông Sergio Rivadeneyra Martell, Đại biện lâm thời của Mexico tại Việt Nam. Ông rất ủng hộ việc tôi đến đây biểu diễn và giúp đỡ tôi rất nhiều về mọi mặt. Hai chúng tôi cùng chung mục đích và mong muốn tổ chức một hoạt động văn hoá tại Việt Nam.
Khi vừa tới Việt Nam, ấn tượng lớn nhất của tôi là rất nhiều xe máy chạy trên đường, rất nhiều. Tôi muốn sau này có cơ hội được trở lại đây biểu diễn.
Paco gây ấn tượng bởi phong cách phóng khoáng, cởi mở. Ảnh: Pham Mi Ly.
Các màn trình diễn của anh trong những đêm diễn ở Festival Huế và Nhà hát Lớn Hà Nội có gì đặc biệt?
- Đây là hai sân khấu rất khác nhau nếu xét trên góc độ về mối liên hệ giữa nghệ sĩ và công chúng. Nhà hát Lớn là sân khấu đóng, trong khi Festival Huế là sân khấu mở. Tại Huế, khán giả có thể lựa chọn xem hay không xem bạn biểu diễn. Vì thế ở Festival Huế tôi cố gắng biểu diễn thật sinh động, sáng tác hết mình, nói chung là tôi sẽ làm những gì có thể để giữ khán giả ở lại cho tới hết buổi biểu diễn.
Còn ở Nhà hát Lớn, khi khán giả đã đến, ngồi trong khán phòng nhà hát và họ sẵn sàng thưởng thức âm nhạc, tôi sẽ diễn nhẹ nhàng hơn. Tất nhiên cũng sẽ không nhàm chán.
Tại Festival Huế, có đến hơn 30 đoàn nghệ thuật của 28 nước tham dự, anh nghĩ nét riêng nổi bật trong tiết mục của anh là ở điểm nào?
- Festival Huế không phải là một cuộc thi thố về âm nhạc nên tôi không có ý định giành thứ hạng. Tuy nhiên, cách chơi “free play” là triết học âm nhạc của tôi. Chính điều đó sẽ làm nên sự khác biệt. Với mỗi buổi hòa nhạc, tôi đều chơi như thể đó là buổi hòa nhạc cuối cùng của cuộc đời mình.
Tôi rất vinh dự được biểu diễn tại Festival Huế lần này cùng rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến từ nhiều nước trên thế giới.
Anh từng chơi nhạc trong trailer bộ phim nổi tiếng “Huyền thoại Zorro” của đạo diễn Martin Compell. Anh nhớ gì về kỷ niệm đó?
- Hơn cả một kỷ niệm. Có những điều ta trải qua mà ta có cảm tưởng rằng nó rất tuyệt vời. Đây chính là một trong những kỷ niệm như vậy.
Từng chơi nhạc bên cạnh những tên tuổi lớn như Carlos Santana hay Luciano Pavarotti, cảm nghĩ của anh như thế nào?
- Họ là những huyền thoại âm nhạc thực sự. Santana cũng là đồng hương của tôi. Chúng tôi đều được sinh ra tại bang Jalisco, Mexico. Thực tế là có nhiều nhạc sĩ chẳng là gì cả, nhưng họ cứ tưởng mình là “chai bia duy nhất trong sân vận động”, trong khi những con người thực sự vĩ đại như Santana hay Pavarotti thì lại rất giản dị, rất khác. Họ là hai trong số những nghệ sĩ mà tôi rất ngưỡng mộ và tôi học được rất nhiều điều từ họ.
Pham Mi Ly thực hiện